SearchNews

Vỡ nợ vì giá xi măng tăng cao

17/05/2008 15:04

Vỡ kế hoạch xây một trệt một lầu với số tiền 400 triệu đồng, anh Đạt, ở quận 7, TP HCM bất ngờ bị cơn bão giá xi măng (tăng gần 50%) đánh úp, phải vay nợ ngân hàng thêm 200 triệu đồng để giải vây.

Vỡ kế hoạch xây một trệt một lầu với số tiền 400 triệu đồng, anh Đạt, ở quận 7, TP HCM bất ngờ bị cơn bão giá xi măng (tăng gần 50%) đánh úp, phải vay nợ ngân hàng thêm 200 triệu đồng để giải vây.

Nguyên nhân của chuyện bị nợ ngang hông, theo anh Đạt, vì vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá, trong đó nặng nhất là xi măng, tăng 50%. Anh Đạt kể, tính cả phí vận chuyển, để mang một bao xi măng về tới nhà giá lên đến 90.000 đồng một bao. "Tôi chưa bao giờ thấy giá xi măng tăng nhiều đến thế", anh cho hay.

Xuýt xoa vì phải trả lãi ngân hàng, anh Đạt tự an ủi mình rằng, dù sao mức lãi suất 1,85% cũng là chỗ "tình nghĩa" lắm mới thương lượng được, vì cá nhân đi vay bây giờ cũng không dễ dàng gì.

Tình hình bi đát hơn, chị Xuyến ngụ quận Bình Thạnh đã dẹp luôn kế hoạch xây nhà vì dọ giá xi măng quá khủng khiếp. "Đại lý vật tư không có hàng giao, tôi đành bỏ luôn ý định xây nhà trong năm nay", chị tiếc rẻ nói.

Song, chị Xuyến cũng lo ngại rằng, việc hoãn xây nhà cứ lần lữa mãi từ năm ngoái đến nay, sang năm 2010 lại không hợp tuổi và vật tư cứ lên cơn "bão giá" không ngừng thì khó càng thêm khó.

Tương tự, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, ông Mai Hữu Tài, cũng tính đến chuyện sẽ tăng giá sàn xây dựng đối với các dự án mới bằng cách thương lượng công bằng với khách hàng. Theo ông Tài, với tình hình bất ổn của thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, doanh nghiệp xây nhà cho người có thu nhập thấp chắc chắn không gánh nổi khoản trượt giá khủng khiếp lên đến 50%.

Cũng rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, công trình Pacific bị rò rỉ nước ngầm tại TP HCM sắp tới cũng cần khoảng 9.000 bao xi măng để xử lý chống thấm theo phương án khoan phun. Thế nhưng chủ đầu tư này báo Sở Xây dựng TP HCM rằng, khó khăn lớn nhất là TP đang khát xi măng, e không mua được vật tư.

Thậm chí, trước tình thế vật liệu xây dựng bất ổn, một công ty địa ốc có dự án căn hộ cao cấp chuẩn bị triển khai tại khu Nam Sài Gòn đã đi đến quyết sách dừng dự án lại. Chủ doanh nghiệp này chia sẻ: "Để thành công cần nói đến thời cơ, tôi đang chờ giá vật tư ổn định rồi tính tiếp. Lúc này tung sản phẩm và triển khai dự án dễ bị lật kèo vì áp khung giá cao không ai mua mà bán thấp thì lỗ nặng". 

Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP HCM, bà Thái Thị Mỹ Hạnh, thừa nhận, nhiều hội viên là những đơn vị trong ngành đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí vỡ nợ, vì không kham nổi các công trình thầu trọn gói. Lỗ do tỷ lệ trượt giá quá cao là chuyện cơm bữa.

Bà nhận định, tình hình sắp tới thị trường vật liệu xây dựng sẽ không căng thẳng như vừa qua nhưng khó mà kỳ vọng giá vật tư giảm xuống ngay tức khắc.  

Lý do, theo chuyên gia này, xi măng từ Bắc đang chuyển ngược vào Nam để hỗ trợ TP HCM. Nhiều công trình đang bị kẹt vốn chắc chắn sẽ hoãn "binh", mùa mưa bão cũng tới gần nên lượng công trình cũng ít lại, thị trường chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực thiếu xi măng. Riêng giá vật liệu này phải có thời gian tương đối lâu mới bình ổn lại.

Nguyên nhân chính của hiện tượng khan xi măng, theo bà Hạnh là tâm lý đầu cơ tích trữ đã ăn sâu vào nếp sống mỗi người. "Do cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp nào cũng giữ lại một ít xi măng để phòng thủ, điểm phân phối vật tư nào cũng nhín lại vài chục bao cho khách quen...thị trường vì vậy mà khát hàng", bà nói.

Trong khi đó, đơn vị phân phối vật liệu xây dựng giải thích về việc tăng giá xi măng là do phí vận chuyển.

Trước làn sóng phản ứng của rất nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng về nạn đầu cơ vật tư ngày càng phố biến, một chuyên gia kinh tế đề xuất, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu chống hiện tượng độc quyền làm giá, đầu cơ tích trữ gây mất cân bằng nền kinh tế.

"Thị trường chung tại Việt Nam như gạo, vật liệu xây dựng, xăng dầu... đang dị dạng, méo mó vì đầu cơ, kích giá, độc quyền và sốt ảo. Đây là những động thái tiếp tay cho lạm phát tiến sâu, cực kỳ nguy hiểm, phải xử lý nghiêm", ông nhấn mạnh. 

Thanh Lê

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu