SearchNews

Thị trường bất động sản không còn “ăn theo” quy hoạch và hạ tầng

23/10/2011 07:53

Nhiều thông tin về quy hoạch cũng như các dự án phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội được công bố song vẫn không thể khuấy động thị trường BĐS hiện đang hết sức trầm lắng.

Thông tin về quy hoạch luôn được coi là “kim chỉ nam” cho những nhà đầu tư BĐS. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, “kim chỉ nam” này dường như không còn tác dụng. Bằng chứng là gần đây, có rất nhiều thông tin về quy hoạch cũng như các dự án phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội được công bố song vẫn không thể khuấy động thị trường BĐS hiện đang hết sức trầm lắng.

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng chính phủ đã ký duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch này, Hà Nội sẽ có 8 cầu bắc qua sông Hồng, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia... Quy hoạch chung Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong quản lý các dự án BĐS tại thủ đô. Trên cơ sở của quy hoạch chung, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập và trình quy hoạch chi tiết của các phân khu chức năng cho Hà Nội vào quý 2/2012, bước tiếp theo để thực hiện quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội.

Thị trường bất động sản không còn chịu tác động nhiều từ quy hoạch và hạ tầng.

Trong quý 3 vừa qua, quy hoạch xây dựng chi tiết đường vành đai 4 cũng đã được thủ tướng phê duyệt. Dự tính hoàn thành vào năm 2020, con đường này xác định ranh giới đô thị Hà Nội về phía Tây và Nam. 2011 – 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 50 tòa nhà để xe nhằm giảm tắc nghẽn giao thông. Vào tháng 8, tổng công ty TEDI đã đưa ra 3 phương án xây dựng đường vượt ngã tư Vọng. Việc xây dựng và mở rộng đường vành đai 2 từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đang được đẩy nhanh sau khi thành phố phê duyệt chỉ giới đường. 

Ngày 10/8, UBND TP đã bắt đầu xem xét đề xuất của công ty Megastar E&C xây khu để xe thông minh đầu tiên. Đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài cũng đã được khởi công vào tháng 8, sau khi hoàn thành trong 30 tháng nữa, sẽ rút ngắn khoảng cách từ Nội Bài tới trung tâm thành phố từ 35km xuống còn 15km. Tuyến đường sắt trên cao số 4 từ Cát Linh tới Hà Đông tiếp tục được xây dựng với mục tiêu hoàn thành vào năm 2015. Việc xây dựng tuyến số 1 và 2 cũng bắt đầu triển khai để có thể hoàn thành vào năm 2018…

Đây là những thông tin đầy giá trị, được xem là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho các nhà đầu tư cũng như thị trường BĐS vốn hay “ăn theo” quy hoạch và hạ tầng. Tuy nhiên, lần này lại là “ngoại lệ”. Theo thống kê của công ty CBRE Vietnam, trong quý 3 vừa qua, thị trường nhà đất trong các khu đô thị của Hà Nội tiếp tục trầm lắng. So với quý 2 thì 68% tổng số dự án có giá chào bán thứ cấp giữ nguyên và 22% số dự án có giá giảm. Số giao dịch thành công thực tế rất ít. 

Còn nghiên cứu của công ty tư vấn BĐS Savills cho thấy: Tính thanh khoản của thị trường nhà ở đặc biệt thấp trong quý qua. Rất nhiều khách mua tiềm năng còn e ngại và tiếp tục chờ đợi, trước hết là do hạn chế trong việc tiếp cận nguồn tài chính, thứ đến là do trong quý vừa qua các hình thức đầu tư khác mang lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là vàng. Tốc độ bán của các dự án nhìn chung chậm. Nguồn cầu biệt thự/nhà liền kề hạn chế vì bị ảnh hưởng bởi lãi suất ngân hàng cao cũng như chính sách siết chặt tín dụng. Do đó, các chủ đầu tư đang phải thay đổi chiến lược kinh doanh để thu hút người mua.

Nói về thị trường BĐS sau khi quy hoạch chung Hà Nội và các dự án phát triển hạ tầng đô thị được công bố, công ty quản lý BĐS Colliers nhận định: Giá đất giảm đáng kể nhưng vẫn không thu hút được người mua. Đất nền ở một số khu vực phía Tây đặc biệt là các dự án dọc theo đường quốc lộ 32 đang gấp rút hoàn thiện đã giảm 15%-20% so với quý trước. Thị trường chung cư cũng trầm lắng với rất ít giao dịch và nguồn cung thấp hơn. Điều này được lý giải do ảnh hưởng của “tháng cô hồn”, cộng với yếu tố tâm lý của nhà đầu tư và chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, quy hoạch tổng thể Hà Nội và những quy hoạch về các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đã không tác động tích cực đến thị trường BĐS như trông đợi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Phân phối DTJ cho biết: quy hoạch chung Hà Nội mới chỉ là định hướng không gian, chưa phải là quy hoạch chi tiết nên người dân chưa thể biết rõ đến từng khu vực, từng dự án mà đầu tư. Trước đây, khi quy hoạch này mới được đưa ra lấy ý kiến, người ta kỳ vọng về tương lai gần, mọi vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng BĐS và số phận của hơn 700 đồ án, dự án trên địa bàn thành phố sẽ được giải đáp ngay nhưng khi quy hoạch được phê duyệt thì kỳ vọng này tan biến. Hiện nay, vấn đề được cả người dân lẫn doanh nghiệp quan tâm nhất vẫn là triển khai thực hiện quy hoạch chung sau khi được phê duyệt.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, anh Nguyễn Quang Minh, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: thị trường BĐS liên quan chặt chẽ đến thị trường vốn. Dòng tiền không có thì cũng khó đầu tư. Còn quy hoạch và những dự án hạ tầng hầu như không tác động đến thị trường BĐS vì thực ra cũng không còn là thông tin mới. Qua các lần “đón đầu quy hoạch”, nhiều người vẫn còn đang sa lầy với đất Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn… chưa “rút chân” ra được và đang còn tâm lý “chim sợ cành cong”. Từ đó khiến người dân cảnh giác, thận trọng hơn trước những thông tin quy hoạch. Ngoài ra, phải nói thêm là quy hoạch chung có tầm nhìn đến năm 2050 - vội gì? Còn nhiều quy hoạch chi tiết cũng thường xuyên bị điều chỉnh nên khó có thể đặt niềm tin vào đó. Nhà đầu tư giờ chỉ coi đây là thông tin tham khảo chứ không còn xem là cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư.

Tại cuộc họp UBND thành phố mới đây, bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng khẳng định cơ quan này đã lập quy hoạch các dự án phân khu phía đông vành đai 4, trong tháng 11 sẽ báo cáo UBND thành phố. Ngoài ra, Viện sẽ hoàn tất 5 quy hoạch phân khu phía bắc; Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các ngành rà soát toàn bộ dự án theo quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các phân khu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng vừa yêu cầu Bộ Xây dựng phải kiểm tra, giám sát và phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, bảo đảm mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng khi nào có quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết… và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc nỗ lực đưa những quy hoạch này vào thực tiễn thì thị trường BĐS mới có cơ sở để khởi sắc trở lại.

(Theo TBKTVN)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu