SearchNews

Quảng Ninh: 1m2 đất đổi được tô phở

11/10/2011 08:13

Gần 100 hộ dân ở xã Kim Sơn (Đông Triều) phản ánh UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 42 ha đất nông nghiệp, giao cho doanh nghiệp xây dựng KĐT nhưng áp giá đền bù cho rẻ như "bèo".

Gần 100 hộ dân ở xã Kim Sơn (Đông Triều) phản ánh UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 42 ha đất nông nghiệp, giao cho doanh nghiệp xây dựng KĐT nhưng áp giá đền bù cho rẻ như "bèo".

Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng - Kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Kim Sơn tại xã Kim Sơn (diện tích 42 ha) cho Cty cổ phần An Sinh.

Nhưng do doanh nghiệp này gặp khó khăn về vốn nên năm 2009, tỉnh đã ký quyết định chuyển dự án này Cty TNHH Thành Tâm 668 (Cty Thành Tâm).

Hiện, phần lớn diện tích đã được đền bù GPMB nhưng còn 98 hộ dân không chịu giao đất bởi họ cho rằng tỉnh áp giá quá rẻ mạt. Mức giá mà ban GPMB huyện Đông Triều đang áp dụng cho dự án trên là 38.000 đồng/m2 đất ruộng hai lúa. Người dân cho biết ở các dự án khác (dọc Quốc lộ 18) đang áp giá là 200.000 đồng/1m2, cao nhất lên đến 3,5 triệu đồng/1m2.

Ông Đào Thanh Trai – giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện cho Nguoiduatin.vn biết: Dự án đô thị Kim Sơn được UBND tỉnh cấp phép cho Cty An Sinh từ 2004. Nhưng vì lý do khó khăn về tài chính nên ngày tháng 6/2009, UBND tỉnh ra quyết định chuyển dự án cho Cty Thành Tâm, huyện đã GPMB được trên 80%.

Ông Ngô Tiến Thiệu - phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều cho biết thêm, khu đô thị Kim Sơn là dự án trọng điểm của huyện nhằm phát triển hạ tầng, đưa thị trấn Đông Triều trở thành thị xã vào năm 2015.

Việc giao cho Cty Thành Tâm làm chủ đầu tư vì địa phương không có đủ kinh phí. Doanh nghiệp bỏ tiền GPMB, xây dựng hạ tầng, sau đó tỉnh cân đối đầu tư và hoàn vốn cho doanh nghiệp từ đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trả cho doanh nghiệp bằng đất dự án...

Chủ đầu tư cũng khốn đốn

Trao đổi với PV, ông Đồng Thanh Hải - giám đốc Cty Thành Tâm 668 cho biết, Cty ông chưa từng làm dự án khu đô thị, mà chỉ làm dự án giao thông, kinh doanh gốm sứ và các mặt hàng, dịch vụ khác.

“Huyện nhận thấy Cty chúng tôi có tiềm lực kinh tế, lại là DN trên địa bàn, có nhiều đóng góp cho địa phương nên chọn chúng tôi làm dự án trọng điểm này, chứ chúng tôi có tranh giành của ai đâu” - ông Hải tâm sự.

Ông Hải cho biết thêm: “Năm 2009, họ bỏ dự án, huyện xác định nếu cứ để DN trước đó làm thì dự án sẽ “hỏng”, “thối”. Do đó, huyện phải động viên chúng tôi vào cuộc”.

Được biết, đến nay Cty đã bỏ ra hơn 50 tỷ đồng thực hiện dự án. Ông Hải chia sẻ thêm: “Nếu dùng số tiền ấy gửi ngân hàng thì mỗi tháng chúng tôi có hơn tỷ đồng tiền lãi. Thế nhưng, vì trách nhiệm với địa phương, cũng là để muốn làm điều gì đó cho quê hương nên chúng tôi không kêu ca, mà thành tâm làm, làm theo đúng trình tự pháp lý, đảm bảo tối đa quyền lợi cho dân”.

Cũng theo ông Hải, chính sách đền bù cao hay thấp là do Nhà nước quy định, doanh nghiệp không được can thiệp, dù có muốn hay không.

Ông Hải cho biết thêm, dù khó khăn thì Cty cũng sẽ cố gắng hoàn thành dự án, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng của Cty đối với địa phương.

(Theo NĐT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu