SearchNews

Năm 2012 sẽ hình thành nhiều quỹ đầu tư mới tại thị trường Việt Nam

13/10/2011 10:09

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản (BĐS) giảm mạnh. Trên sàn chứng khoán, tỷ lệ vốn hoá của khối ngoại cũng giảm từ 40% xuống còn 8%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản (BĐS) giảm mạnh. Trên sàn chứng khoán, tỷ lệ vốn hoá của khối ngoại cũng giảm từ 40% xuống còn 8%.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Nghiệp vụ bộ phận đầu tư, Công ty Savills Việt Nam cho rằng, năm 2012 sẽ xuất hiện nhiều “gương mặt mới” từ châu Á, Trung Đông trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Việc một số nhà đầu tư ngoại thoái vốn hay chuyển nhượng các dự án BĐS tại Việt Nam cho thấy điều gì, thưa ông?

Tình hình tài chính thế giới đang có nhiều bất ổn khiến một vài nhà đầu tư xem xét đến cơ hội đầu tư trong nước của họ hoặc những địa điểm khác mà họ thấy có nhiều cơ hội hơn Việt Nam. Đối với các quỹ đầu tư, đây là giai đoạn phải cụ thể hóa lợi nhuận. Đa phần, các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam giai đoạn 2004 – 2006, đến nay là thời gian để kết thúc hoạt động của quỹ. Vì thế, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tại Việt Nam là điều bình thường.

Song thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều đặc điểm hấp dẫn nhà đầu tư. Đó là, thị trường mới nổi, có lực lượng dân số trẻ, độ tuổi 20 – 35 chiếm trên 55% tổng quy mô dân số. Giới trẻ bắt đầu thích sống độc lập và nhu cầu nhà ở đặc biệt được quan tâm. Ngoài ra, đây là thời điểm để thay thế các sản phẩm nhà ở xuống cấp trước đây. Dù gần đây, nhà đầu tư có e ngại về lạm phát, tỷ giá, lãi suất… nhưng đây là những nhân tố ngắn hạn và sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. Theo tôi được biết, năm 2012, sẽ có nhiều quỹ đầu tư mới được hình thành tại thị trường Việt Nam, thêm vào đó là sự xuất hiện của vài “gương mặt” đến từ châu Á lẫn Trung Đông.

Ông có đề cập những nguyên nhân tác động đến quyết định của nhà đầu tư. Vậy điều này tác động ra sao tới thị trường BĐS?

Tình hình tài chính thế giới bất ổn, ảnh hưởng tới một số nước có đầu tư sang Việt Nam, do vậy nhà đầu tư phải xem xét lại danh mục đầu tư của mình. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản từ đầu năm tới nay giảm hơn năm 2010, nhưng với vai trò cầu nối đưa nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, tôi nhận thấy, vẫn có nhiều thương vụ đang trong thời gian thương lượng. Có thể chia thành hai nhóm. Nhóm đã đầu tư vào thị trường Việt Nam, đã có sản phẩm, biết luật lệ, “đường đi nước bước”, nên khi họ chuyển nhượng những khoản đầu tư hiện tại cũng đồng nghĩa với việc đang tìm kiếm những cơ hội khác. Nhóm còn lại chưa có bất kỳ sản phẩm nào ở Việt Nam. Với đối tượng này, trong thời gian qua, họ khá thận trọng, nhất là khi thị trường quá nóng ở thời điểm 2007 – 2008. Như vậy, đến khi thị trường chững lại, họ sẽ tham gia vào vì đã nghiên cứu kỹ thị trường.

Phải chăng đây là thời điểm mua được tài sản với giá rẻ?

Thời điểm này, các nhà phát triển bất động sản trong nước có những khó khăn nhất định về tài chính và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại. Song, tôi không nghĩ họ sẽ mua được tài sản giá rẻ, mà là hợp tác sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Về cơ bản, trung tâm thương mại và căn hộ trung cấp là một trong những phân khúc được các nhà đầu tư ngoại quan tâm.

(Theo VIR)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu